Kể chuyện làm eCommerce Website tại sự kiện “Tết có bánh chưng 4”
Đợt rồi Cường có ra Hà Nội làm speaker tại sự kiện “Tết có bánh chưng lần 4” do MegaDigital tổ chức cho hơn 500+ doanh nghiệp tham gia. Hôm đó có nhiều nội dung chia sẻ rất hay từ các speaker khác nhau, chủ đề xoay quanh ecommerce xuyên suốt từ: Zalo MiniApp, cập nhật mới từ Meta, các bài học kinh nghiệm chuyển đổi số trong ecommerce và giao lưu hỏi đáp khá sôi nổi.
Vì không thể tóm tắt hết nên Cường làm bài viết này tự tóm tắt (recap) nội dung của chính mình chia sẻ cho mọi người trước nhé.
* Mindmap phần trình bày mọi ai quan tâm có thể đăng ký nhận ở cuối bài.
Đề bài:
Ban tổ chức trước sự kiện có giao cho mình 3 câu hỏi:
- Tại sao lại là ecommerce website?
- Sai lầm thường gặp khi làm ecommerce website là gì?
- Và.. làm ecommerce website như thế nào cho hiệu quả?
Từ 3 câu hỏi trên, mình phải tự triển khai ý ra và chỉ được.. nói trong 20 phút. Với nội dung như này mà nói 3 ngày 3 đêm cũng không hết nổi, lẩm bẩm “phen này đúng là ăn phải khoai sọ rồi” :)). Rất may, sát ngày mình cũng tóm gọn từ 99 slides lại được thành ~29 slides để chia sẻ cho mọi người trong sự kiện ngày hôm đó.
Đối với anh chị em ở đây đã tham gia khóa học Tư duy đúng khi bắt đầu xây dựng ecommerce website thì mọi người sẽ không lạ với các ý Cường đã chia sẻ, nhưng ở event này chỉ cho có 25p nên Cường chỉ kịp chia sẻ vài ý nhỏ.
Mình bắt đầu recap luôn nhé!
I. Tại sao phải là eCommerce website
Thật ra khi nghĩ tới chuyện làm ecom site cho riêng mình, đa số anh chị chủ Doanh Nghiệp đã có mong muốn khá rõ ràng, Cường chỉ thay mọi người tổng hợp vài nhu cầu thường “nghe thấy” trong hơn chục năm làm nghề vừa qua. Cụ thể:
- Muốn có kênh bán của mình: tính sở hữu cao, để càng lâu càng có giá trị tích lũy, giá trị thương hiệu cao, khách mua xong nhớ tới mình chứ không phải là nhớ Shopee, Lazada.. . À.. từ đầu buổi Cường cũng có nói về lợi thế traffic và rất nhiều thứ có sẵn ở các kênh sàn chứ không phủ nhận các ưu điểm này. Chỉ là ở đây mình bàn về online store – kênh bán trên website của riêng mình thôi.
- Luật chơi của mình: vì chơi sân nào học luật sân chơi đó, có khi sáng sớm phải học luật mới hoặc bị khóa kênh. Còn kênh của mình thì mình quyết, không bị phụ thuộc quá nhiều vào chợ nhà người ta.
- Dữ liệu khách hàng của mình: giúp mình phân loại khách hàng ngày càng tốt hơn, chạy remkt tiết kiệm hơn, trúng đích hơn. Quan trọng nhất, đây là tiền đề làm các công tác tối ưu khách hàng cũ về sau.
- Nơi mình tự tối ưu theo cách riêng được: từ trải nghiệm khách hàng, hành trình khách hàng, cá nhân hóa, chuyển đổi khách cũ, tự động up/cross selling thoải mái tùy trình độ tối ưu mình tới đâu.
Còn nhiều ý khác nhưng 4 gạch đầu dòng trên hầu như các anh chị đều mong muốn có được khi xây kênh bán của riêng mình. Gõ chi tiết ý thì không được nên mọi người đọc tóm tắt từ khóa là được nhé ^^
II. Những sai lầm thường gặp
Cái này thì kể nhiều rồi, khó mà nói hết trong vài giờ huống chi chỉ là vài phút ngắn ngủi. Với thời gian hạn hẹp, Cường chia sẻ 3 sai lầm mà mình thấy nhiều năm nay không có chuyển biến lắm, cá nhân mình đi tư vấn đâu cũng gặp lại hoài.
Cụ thể:
- Làm website xong để đó, không xác định đây là kênh cần đầu tư dài hạn & đều đặn. Nghĩ rằng làm web xong sẽ.. có đơn. Trong khi kênh sàn có lợi thế là traffic dồi dào, kênh website của mình, mình phải tự kéo traffic và nuôi dưỡng nó rất là .. dài hơi.
- Không đủ quyết liệt và nghiêm túc khi triển khai, nhất là ban giám đốc cty, không tham gia ngay từ đầu khi không có phòng ban & nhân sự chuyên ecommerce. Cường có đề cập cả vấn đề trao quyền sai người hoặc trao quyền hời hợt, dẫn đến lãng phí thời gian và tiền bạc không kể hết.
- Lựa chọn giải pháp, khi nào lựa chọn “đóng gói” khi nào lựa chọn “may đó” là chủ đề hơi dài. Ở event này Cường chỉ nhấn mạnh cách phân tích ràng buộc khi chọn giải pháp –> để mọi người hiểu không có giải pháp tốt nhất, chỉ có giải pháp phù hợp nhất cho DN từng thời điểm.
Xem 4 ràng buộc phải cân nhắc trước khi lựa chọn giải pháp.
Công thức này áp dụng được cho nhiều mảng công nghệ khác chứ không chỉ riêng là ecommerce website. Ví dụ:
- Nền tảng công nghệ đáp ứng, ngân sách dư dả nhưng năng lực đội ngũ nhà mình không đủ sức (hoặc đủ người) tiếp nhận bàn giao & vận hành được thì làm xong cũng để đó.
- Năng lực đội triển khai có đủ, nền tảng sẵn sàng, ngân sách không thiếu nhưng để triển khai theo yêu cầu này thì thời gian mất 24 tháng, không khả thi cho các kế hoạch kinh doanh
- … còn nhiều ví dụ khác nữa..
III. Làm eCommerce Website sao cho hiệu quả
Cái này thì khó nên Cường cũng chỉ nêu lên các giai đoạn khi tối ưu ecommerce website (S.C.O) và cách bắt đầu O (optimize) đúng như thế nào:
- Bắt đầu từ đống “xà bần”, ngổn ngang hiện tại của Doanh nghiệp mình -> khai thác và tối ưu nó trước, thử làm đi, hiệu quả lắm ^^
- Học hỏi các best practices trên mạng, sau khi làm kha khá các hoạt động dọn dẹp hiện trường rồi thì mình đi học lóm để áp dụng thêm cho website của mình (hoặc lười thì follow mình trên trên các group public cũng có).
- Thử sai nhưng đừng quên tracking, đo lường để có data và ra quyết định đúng đắn hơn. Đa phần với Google Analytics và các tool heatmap như Metrica là đủ để mình đọc số rồi.
Mẹo trên mạng (hoặc từ cuonghoawebsite có chia sẻ)
Trên là Cường chia sẻ cách để mọi người dù không có chuyên môn vẫn có thể vọc, tự học và tự làm được. Còn công cuộc tối ưu website thực tế khó mà kể hết được, nhưng ít nhất làm được vầy thì mình đã tiết kiệm sương sương vài trăm triệu tiền thuê ngoài rồi.
Khi nào bí rồi thì nên thuê advisor/mentor/coach, nó không đắt như mọi người nghĩ. Vì đa số cái giá phải trả cho việc “mù đường” ít nhất cũng vài trăm triệu tới vài tỉ đồng mỗi năm, và giá đắt hơn đó là thời gian + cơ hội vài năm tự dò mìn.
Bản thân mình là người làm công ty công nghệ, nhưng mình cũng hay thuê advisor cho đội công nghệ nhà mình. Trông có vẻ đắt nhưng mà xong thì toàn bộ team gỡ nút thắt và học được kĩ năng luôn. Chiêu này mình không ngại làm vì đã chứng kiến và học hỏi được từ sếp cũ 13 năm trước. Tính ra tiết kiệm hơn về lâu dài.
PHẦN HỎI ĐÁP (TRONG & SAU EVENT)
Có mấy ý hay liên quan mình, cũng note đây luôn cho anh chị em mình tham khảo:
- Landing Page cũng là web tại sao cần làm ecommerce website đầy đủ?
- Khi làm ecommerce website hoặc chuyển đổi số nói chung, làm sao trao quyền đúng người, người đó cần có tố chất gì?
Mấy ý này chia sẻ sau nhé, xem trong group Cường hóa website (public) có đăng nhé.
Tất cả các ý trên, mình có làm lại thành 1 cái mindmap xmind nhỏ để mọi người dẽ nắm bắt hơn. Ngoài ra còn có slide pdf đầy đủ phần mình có chia sẻ.
Anh chị nào cần thì bấm đăng ký bên trên để mình gửi qua email cho nhé.
Lưu ý:
File zip có password khi giải nén, mọi người check email lấy link download thì để ý nhé. Ngoài tài liệu ra thì còn có các mẹo tối ưu hay ho khác Cường tổng hợp mỗi tháng để gửi mọi người.